Sinh ra ở đời, ai cũng có một vài sở thích. Chỉ khác nhau là thích ít hay thích nhiều mà thôi. Thích ít thì vui chơi chút đỉnh cho đỡ buồn tình, còn thích nhiều có thể đâm ra đam mê mà thành cái nghiệp.
Người thì thích viết văn, người thích vẽ, người ưa ca nhạc, người ham đá bóng, người mê đánh bài, người nghiện rượu chè, người thì khoái nhẩy đầm, người thì lại ghiền đọc sách, sưu tầm đồ cổ…
Xin mở một dấu ngoặc: Thế thì bổn thân tôi đây, mê nhất thứ gì? Câu trả lời cũng dễ thôi: Tui mê nhất là “Mê gái”. Thưở bé mê gái, lớn lê mê gái, về già cũng mê gái. Chỉ khác nhau chút đỉnh về “cường độ”! Đóng ngoặc.
Hàng trăm thứ trên cõi đời này nó cám dỗ ta, cũng khiến ta đâm ra mê nó. Đến như các nhà tu hành cũng mê đạo, cũng mong tìm đến nơi bình an vĩnh cửu, chốn thiên thai hạnh phúc đời đời.
Còn người trần mắt thịt như chúng ta thì không tìm đâu xa xôi diệu vợi, mà chỉ tìm quanh quẩn đâu đây một vài lạc thú để bám viú vào đó làm nguồn vui, có khi là lý tưởng, có khi dinh dưỡng tinh thần, có khi chỉ là để tiêu khiển cho qua đi ngày nắng vội…
Cứ theo như con mắt trần gian của kẻ hèn này thì thế hệ chúng ta, được yêu mến nhất, ưu tiên hình như vẫn là các nhà thơ và các nhạc sĩ . Còn giới họa sĩ, nhiếp ảnh gia, thể tháo gia, nhà văn muốn được thiên hạ biết đến tên tuổi thì chật vật lắm. Phải có tác phẩm độc đáo, thiên tài, văn phong hấp dẫn, đề tài mới lạ, thành tích nổi bật thì họa may mới có tên tuổi trong lãnh vực chuyên môn hoặc chiếm được một ghế trên chốn văn đàn! Vậy thơ, nhạc vẫn là đề tài nổi bật!
Nói đến thơ, nhạc cũng phải nói luôn đến cả giới trình diễn thi ca, nhất là về tân nhạc. Giới này là giới trung gian đã đem điệu nhạc lời ca lên sâu khấu để làm say đắm tình người . Họ chính là cái gạch nối giữa giới sáng tác và khán thính giả. Họ cũng là những thỏi nam châm thu hút lòng người trong tiếng hát lời ca cùng vóc dáng trời cho, để quến rũ nhân gian, ru ta vào giấc mộng thiên đường…
THUỔNG THƠ…
Trước khi bàn về Thơ, tôi xin nói đến vài chuyện liên quan đến Thơ nhưng không mấy thích thú với độc giả nhưng lại hoá ra đầy ắp kỷ niệm với tôi hồi thơ ấu: Ắy là vụ “thuổng thơ” mà “thủ phạm” không ai ngoài ông bố yêu quý của tôi vậy.
Chuyện như thế vầy:
Hồi tôi học tiểu học thì bố tôi là một người thợ máy, con nhà nghèo. Bố tôi học lực không qua bậc tiểu học nhưng lạ một cái là chữ viết rất đẹp, cứng cáp, rõ ràng. Thậm chí đến năm cụ 80-90 tuổi mà chữ viết vẫn còn rõ và đẹp hơn tôi cả chục lần nữa cơ!
Hồi đi học, thỉnh thoảng thầy giáo lại ra đề tài cho học trò làm một bài luận.
Tôi chữ nghĩa đã vắng teo, đầu óc lại rỗng tuếch nên cứ loay hoay với bài luận văn, mặt nghệt ra, ngồi như bụt mọc!
Ông bố tôi thấy thằng con mọi khi vẫn chạy nhẩy vung vít, chân tay không lúc nào ngưng múa may, nay bỗng dưng tắc tị thì hỏi xem cớ sự thế nào, có đau ốm bệnh tật gì không?
Tôi cứ bánh đúc bầy sang, nói với bố rằng cái bài luận này khó lắm không biết viết ra sao, không biết kết luận thế nào cho nó trôi chẩy.
Bố tôi đọc qua rồi ngẫm nghĩ sao đó, biểu tôi:
- Bài luận này mô tả một đứa bé làm điều lầm lỗi, khi hiểu ra thì đã muộn rồi. Mày phải kết luận sao cho vừa ăn khớp với đề tài lại vừa phải đưa ra cái ý gì mới lạ thì mới được điểm cao. Bố nghĩ là mày kết luận bằng hai câu thơ này là được nhất:
“Tiếc vì tay đã nhúng chàm
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?”
Tôi cứ y chang như thế chép vào cuối bài luận đẻ hôm sau đem nạp.
Mấy bữa sau, thầy trả bài luận cho học sinh, khen tôi là có cái kết luận rất hay, rất xứng hợp với đề tài. Rồi thầy đọc đoạn kết cho cả lơp cùng nghe. Học trò nào cũng trầm trồ khen tôi là có văn tài lỗi lạc.
Về nhà, tôi khoe bố tôi về bài luận được bố “gà” nên xuất sắc như thế!
Bố tôi chỉ tủm tỉm cười…
Từ đấy, tôi đâm ra phục bố tôi về thơ văn rủng rỉnh…
Nhân cái đà thơ văn ấy, trong một bài luận khác, khi phải tả cảnh mùa xuân thì tôi lại đâm ra bí. Chung quanh tôi chẳng có gì mơ mộng, tình xuân ong bướm chi để mà tả cho ngon lành. Tôi lại phải nhờ đến ông bố phen nữa.
Bố tôi đọc ngay câu thơ như thế này để tả mùa xuân:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Lần này thì thầy giáo tôi nghi ra mặt, biết là có ai gà cho nên toôi mới thi văn rùng rợn đến thế!
Ít lâu sau, bố tôi lại “gà” cho tôi viết khi tôi tả cái quạt.
Bố tôi đọc hai câu thơ:
“Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”
Tôi tuy chẳng hiểu mô tê gì về thân phận cái quạt nhưng phải công nhận là bố tôi có tài nhả ngọc phun mưa thật tài tình.
Tôi chép ngay vào bài luận.
Lần này, thầy giáo gọi tôi lên bảng, trước cả lớp học trò, bảo rằng tôi đi thuổng thơ ở đâu ra mà kinh khủng đến như thế?
Tôi đứng im như tượng gỗ, mặt tái nhợt, chịu trận.
Và lẽ tự nhiên, bài luận của tôi có điểm số thấp nhất!
Về nhà, nhớ lại lời thầy bảo rằng tôi thuổng thơ, tôi mới hỏi bố tôi xem bố tự làm thơ hay bố mượn thơ của người khác?
Thì bố tôi cười cười mà rằng:
Những câu thơ bố mượn đỡ cho mày, là thơ của Nguyễn Du, của Bà Hồ Xuân Hương chứ bố làm gì mà có được cái thiên tài ấy chứ!
À, té ra bố tôi cũng đi thuổng thơ của người khác mà tôi cứ ngỡ bố mình cũng thi ca bay bướm như ai!
Khi lớn lên, học ban trung học thì tôi như lạc vào vườn thơ hiện đại với tục ngữ, ca dao, Trinh Thử, Lục Vân Tiên,
Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Truyện Kiều…
Rồi thì những là Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Tương Phố…
Rồi sau này là Thế Lữ, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…Gần nữa là Phạm Thiên Thư, Hà Huyền Chi, Du Tử Lê,Cao Tần, Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Nguyên Sa…
THƠ MÌNH, THƠ NGƯỜI…
Không biết có phải tôi có cái “gin” của bố tôi không, mà khi lớn lên vào lính, tâm hồn tôi lúc nào cũng bị ám ảnh bởi thơ.
Tôi thuộc loại “dùi đục chấm mắm cáy”, chẳng biết gì về thơ. Có nhẽ phần lớn cũng do cái “gin” của bố tôi không có tí văn thơ nào nên tôi mới bết bát như thế?
Nhưng khi vào lính Ngự Lâm Quân, đóng ở Dalat là nơi cảnh vật đẹp như tranh, con gái tươi như hoa buổi sớm thì vần thơ ý nhạc ở đâu bỗng nhập vào cậu lính Ngự Lâm quân.
Phong cảnh hữu tình ấy đã giúp tôi mỗi khi viết thư cho “em gái hậu phương” kể lể những là nhớ nhung tha thiết, đắm say, tình như cất cánh bay cao trên vòm trời tình ái…
Thế là tôi lại có đôi vần thơ sầu rụng gửi gấm trong cánh thư xanh.
Thư cho em, tôi tưởng tượng rồi thêm mắm thêm muối làm sao cho hoa lá cành trên cao nguyên đã đẹp lại càng thêm đẹp tuyệt vời.
Tôi thuổng những câu như:
”Hoa đào năm ngoái còn cưòi gió đông”, “Xuân du phương thảo địa”, “Muà xuân sang có hoa anh đào”, “Xuân vừa về trên bãi cỏ non”…
khiến cho thư nào của tôi cũng đầy ắp hoa thơm cảnh lạ dễ gây xao xuyến lòng người..
Kịp đến hồi NLQ tan hàng, đám lính chúng tôi phải đổi lên Banmethuot, Pleiku, Kontum thì tôi tuy là bị đẩy lên xứ khỉ ho cò gáy nhưng lại chính là “đắc địa” để tôi trổ tài thi văn ca nhạc.
Tôi đã đi qua những vùng núi trên Pleiku, Kontum nên được ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp mà ở dưới đồng bằng chẳng bao giờ có.
Cái cảnh buổi sang mùa xuân trên rừng mới thực là tuyệt vời.
Mây trời trong xanh, gió lành lạnh, đâu đây có tiếng gà rừng gáy sáng. Xa xa là tiếng suối reo. Trên cành cây, vài chú khỉ đánh đu kêu khèng khẹc. Vài con chim nhỏ bay lượn kiếm mồi.
Gần đấy là con suối nhỏ, có chiếc cầu khỉ bắc ngang, đong đưa nhún nhẩy, vài cô sơn nữ sa rông mầu cây rừng, đeo gùi, cầm gậy, rủ nhau qua chiếc cầu tre, nói cười rúc rich…
Thế là tôi lại “nhả ngọc phun châu”, tả cảnh tả tình tả oán…
Tôi đã mô tả với sức tưởng tượng làm sao cho người đọc cảm nhận được cái vẻ cao nguyên huyền bí, thênh thang mà lại ẩn dụ một tí tình cảm của mình như muốn nhắn gửi người em nhỏ rằng kẻ ở miền xa vẫn nhớ về nơi phố thị.
Bèn hạ bút:
“Đường Buôn Hô bụi đỏ
Cheo Reo rừng thẳm xanh
Có ai mình nhắn hộ
Ta về thương kinh thành”
Bảo đảm là ai đọc đến đây cũng phải cảm thấy một cái gì có vẻ cao nguyên xứ Thượng, mà lại gửi gấm chút tình nước non, lại thêm chút buồn buồn của người viễn xứ…
Nhưng thực tình mà nói, tôi đã “thuổng” thơ của nhà thơ Diên Nghị trong “Xác lá rừng thu” chứ sức voi mà tôi lại có thể mần thơ phong phú và xuất sắc đến như vậy?
Hồi ở trên Pleiku năm 1955-1956, thành phố buồn này quả thật rất buồn.
Con phố chính, gọi là phố đấy nhưng chỉ là con đường dài đất cát lầy lội, nhà cửa xập xệ loe hoe. Đi dăm phút là đã đi hết con đường phố chính.
Những ngày mưa lạnh thì thành phố này còn ảm đạm, thưa thớt, thê thảm hơn nhiều.
Cơ sở chính là nơi đóng quân của các binh đoàn , phi trường
quân sự.
Bao quanh khu vực thành phố là rừng cây cà phê, có các đơn vị Địa Phương Quân trấn đóng.
Thế nên về sau nhà thơ Vũ Hữu Định viết bài thơ về “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông..” là y chang cái cảnh Pleiku hồi đó!
Chỉ có điều tôi không nom thấy là “Em Pleiku má đỏ môi hồng” thôi à!
Chứ trên Kontum thì có một em là ái nữ của chủ tiệm sách báo ở phố chính, coi dáng người rất ư là duyên dáng, dễ thương, có đôi mắt và nụ cười làm đổ quán siêu đình!
Quả nhiên, cô có số lấy chồng sang giầu, là lọt vào mắt của quan đầu tỉnh!
NÓI CHUYỆN THƠ…
Nói về Thơ thì nổi tiếng nhất ở nước ta vẫn là thi hào Nguyễn Du với Kim Vân Kiều.
Đại tác phẩm này từ đầu đã được thi hào đặt tên là “Đoạn trường tân thanh”. Sau, Phạm Quý Thích đem khắc in, đổi tên là”Kim Vân Kiều tân truyện”. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đổi là “Truyện Thúy Kiều”. Tản Đà đổi là “Vương Thúy Kiều Chú Giải Tân Truyện”. Vân Hạc gọi là “Truyện Kiều”.
Dù tên nào thì cũng xung quanh Thúy Kiều. Tác phẩm được phổ biến khắp các giới trong nước. Khổ nhất là học sinh bậc trung học phải học nhiều đoạn thuộc lòng. Các ông già bà cả ở chốn thôn quê, có người nằm lòng cả cuốn, có người thuộc vài trăm câu là chuyện thường tình.
Tác phẩm phổ biến đến độ các văn nhân tài tử làm thơ vịnh Kiều, thơ về các nhân vật trong Kiều…Ngoài chốn dân gian thì nào là tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, câu đối tập Kiều…
Riêng cái tên truyện đã thay đổi quá cỡ như thế rồi thì chúng ta thử tượng xem nhân vật Thúy Kiều rồi gian truân vất vả đến đâu!
Truyện Kiều nói về hai nhận vật là Thúy Kiều và Thúy Vân. Cô chị Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn khiến hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh chứ không như cô em Thúy Vân khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang, phúc hậu đoan trang làm chuẩn. Thế nên cuộc đòi Thúy Vân yên phận chồng con, cuộc đòi bình an phẳng lặng như tờ. Còn cô chị sắc đẹp chim sa cá lặn, tài cầm ca đủ mùi cho nên lắm nỗi gian truân, luân lạc giang hồ.
Thi tài Nguyễn Du đã được diễn tả qua đại tác phẩm với những vần thơ tuyệt đẹp tả cảnh tả người tả tác phong, tâm trạng từng nhân vật đâu ra đó.
Đến nỗi sau này cứ nghe ai gán với Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Từ Hải…là biết ngay nhân cách, tác phong của người ấy rồi!
Đó là nói sơ qua về thơ thời xa xưa, học sinh trung học nào cũng phải học, phải thuộc một số đoạn để làm vốn liếng văn chương trong cuộc đời.
Học trò nghe thầy trích giảng, nghe thầy giảng nghĩa rồi cứ đinh ninh như thế chứ không hề có ý kiến gì về tác phẩm cả. Bởi học đã đủ mệt rồi, thời giờ nào nữa đâu mà phân tích, lý giải, phê bình…
Vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng các con (1963).
Vài chục năm gần đây, chúng ta thấy xuất hiện những nhà thơ mới. Vần điệu mới, ý thơ mới, chữ nghĩa mới cũng khiến cho thơ có những nét đẹp riêng. Như thơ Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?…
(Tiếng thu)
Như thơ Phạm Thiên Thư với những vần thơ óng chuốt, rất mộng, rất thiền, mênh mang một khối tình si bên bờ ảo giác. Trong ” Động hoa vàng” với 100 đoạn, mỗi đoạn 4 câu lục bát, gợi cho ta một cõi thơ riêng biệt của Phạm Thiên Thư.
Phạm Duy cũng đã như người đồng bệnh, trích đoạn viết thành nhạc phẩm “Đưa em tìm động hoa vàng”:
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say…
để nghe tiếng lòng mình chơi vơi trong đêm vắng mênh mông lạnh lẽo:
…Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha…
(Động hoa vàng)
Hay như thơ Cao Tần gửi gấm chút tình riêng vào mấy bông hoa giấy bên vườn. Thương hoa mà cũng chính thương mình:
Tưởng ta nhớ chú lắm sao
Này cây hoa giấy bên rào năm xưa
Chẳng qua trời đổ cơn mưa
Thì thương cành mọn đong đưa một mình.
(Bông giấy)
Nhà thơ Nguyên Sa và vợ.
Nhưng độc đáo với những ý tưởng mới lạ, những hình ảnh tương phản, những mầu sắc tương thân, những tình tự ẩn hiện sâu thẳm phải nói đến nhà thơ Nguyên Sa. Ví von hình ảnh người con gái với hoa, với mầu sắc thì có:
Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Tôi pha mực cho vừa mầu áo tím ….
( Tuổi mười ba )
So sánh người yêu với con chó, con mèo, con cá thì chỉ có nhà thơ Nguyên Sa mới ví von người yêu với những con vật gần gũi, dễ thương:
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển…
(Nga)
“Nga” là người yêu, cũng là người bạn đời của Nguyên Sa. Một trong những bài thơ viết về Paris đắc ý nhất của Nguyên Sa là bài “Paris có gì lạ không em”. Nhập đề với nhũng dòng thơ mùa xuân:
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim
Rôi với 6 đoạn kế tiếp là những sông Seine, bóng trăng, sao sáng, tóc em là mây, là thương nhớ… Và đoạn kết rất gợi tình, tha thiết như thế này:
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lanh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen ?...
“Hương cốm” và “lá sen” là hình ảnh ví von rất thân quen của tình yêu đôi lứa. Hình ảnh, hương vị của lá sen ủ hương cốm, tưởng không có gì êm đẹp cho bằng. Đây là một trong những “tuyệt chiêu” của nhà thơ Nguyên Sa…
Trong “Thơ Nguyên Sa toàn tập » còn một bài thơ tôi gọi là thơ “ẩn dụ”: Tôn Nữ Thanh Hằng! Nhà thơ gặp em , mô tả triều đại Công Tằng Nữ Tôn mà nghe như mô tả những nét đẹp của người con gái xứ Huế. Rất Huế, rất tình…Bạn muốn hiểu sao thì hiểu…Nhưng nhắc lại: Rất tình!
Xin chép nguyên văn bài thơ như sau:
Gặp em Tôn Nữ Thanh Hằng
Anh vô triều đại Công Tằng Nữ Tôn
Lúc vô thấy núi thấy non
Khi về nhớ nốt ruồi son tuyệt vời
Tuốt trong đại nội trăng soi
Chánh cung lại có nụ cười thứ phi
Mắt còn dấu một tiếng tì
Lặng không cũng vẫn dư thừa âm ba
Cám ơn điện cấm, thành khuya
Cơn mưa đầu hạ em vừa cho anh.
(Tôn Nữ Thanh Hằng)
Thơ Nguyên Sa với những sáng tạo về chữ nghĩa, hình ảnh, mầu sắc, âm điệu đã tạo cho ông một chỗ ngồi đặc biệt trong thi đàn Việt Nam.
Thơ Nguyên Sa cũng được phổ nhạc với các bài: Áo lụa Hà Đông, Cần Thiết, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tháng sáu trời mưa, Nga…
Chỉ nói chuyện về Thơ thôi, chúng ta có thể nói hết năm này qua năm khác vẫn chưa cạn.
Thành thử ra, chuyện thơ văn là một đề tài rất phổ thông, bao quát và rất nhiều giai thoại đáng nói…
Vậy xin hẹn mí lị bạn đọc vào kỳ tới vậy nhá !
« Bai » hỉ !